Quá trình sản xuất Mùi_cỏ_cháy

Kịch bản

Bìa cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành.

Biên kịch của phim là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, cũng là sinh viên khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhập ngũ ngày 6 tháng 9 năm 1971 và chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị 1972. Ý tưởng kịch bản được ông bắt đầu sau khi nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc ra mắt vào năm 2005, và sau đó là hàng loạt nhật ký thời chiến của các liệt sĩ khác như Đặng Thùy Trâm, Vũ Xuân, Tài hoa ra trận của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân, Sống để yêu thương và dâng hiến của Hoàng Kim Giao, những bài thơ Nửa sau khoảng đời, Lạy mẹ con đi của Vũ Đình Văn.[8][9] Hoàng Nhuận Cầm viết Mùi cỏ cháy còn là viết về thế hệ của ông và câu chuyện chính ông đã giã từ giảng đường đại học để lên đường vào chiến trường, cũng như mơ ước làm phim về Thành cổ trong những ngày chiến đấu tại đây năm 1972.[10] Ngoài ra, Hoàng Nhuận Cầm đã đọc cuốn nhật ký Nguyễn Văn Thạc rất sớm do gia đình liệt sĩ gửi tặng và trong quyển nhật ký này đã có nhiều dòng nhắc đến ông như: "Cầm viết được nhiều, quả thực ở nó có tài năng, hay ít ra, đó cũng là một khả năng tốt… Nhưng vì sao nó nắm bắt mạch thơ đúng thế. Tưởng như lời nào của nó cũng là thơ (!)"[11] khiến ông rất cảm động và đã gọi điện cho anh trai Nguyễn Văn Thạc để nói về ý tưởng làm phim.[12] Ngay sau đó, được sự gợi ý của anh Đinh Trọng Tuấn là "Hãy từ những bài thơ của Cầm – nhật ký chiến tranh viết bằng thơ chuyển thành hình ảnh", Hoàng Nhuận Cầm quyết định bắt tay ngay với kịch bản phim Mùi cỏ cháy.[12]

Tên phim được phát triển từ bài thơ Mùi cỏ cháyHoàng Nhuận Cầm viết từ năm 1978:[13]

"Lửa đã đốt đi những điều anh chưa thành thậtCông sự khét mùi khói đạn mồ hôiThuốc súng phủ lên môi, giờ tấn công đã gọiAnh ném nửa lá thư còn lại xuống chân đồi".

Và câu thơ trích trong bài thơ Phương ấy cũng của ông[14]

"Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấyGặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai"

Việc đặt tên bốn nhân vật là Hoàng - Thành - Thăng - Long để thay mặt những người lính khi nói lên tình yêu với Hà Nội.[8] Chi tiết bức ảnh 4 người lính, 3/4 người hi sinh và bức tượng màu trắng trong tấm ảnh được gợi ý từ 1 tấm ảnh thật cùng truyện ngắn Bức tượng dài ba trang do nhà biên kịch Đoàn Tuấn tặng cho ông. Người duy nhất còn sống sau này trở về trong số 4 người trong ảnh cũng chính là Đoàn Tuấn.[1][12]

Trong quá trình xây dựng kịch bản, dù là người tham gia trực tiếp trận đánh nhưng ông vẫn sưu tầm nhiều bản thảo, sách báo, băng đĩa làm tư liệu.[8] Hoàng Nhuận Cầm còn tâm sự thời gian này ông dường như được các liệt sĩ, được những người bạn đã hi sinh của ông phù hộ với nhiều tài liệu bất ngờ đến với ông.[15] Cuối cùng kịch bản được viết từ ngày 27 tháng 7 năm 2005 đã kết thúc lúc 5 giờ sáng một ngày tháng 11 cùng năm. Đến năm 2010 thì kịch bản hoàn thiện qua nhiều lần sửa chữa, Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh quyết định đầu tư nâng cao và đưa vào sản xuất.[15] Trước khi được dựng thành phim, Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn Hữu Mười đã đưa Đinh Thế Huynh (Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đọc và góp ý với tư cách người đồng đội cũng lên đường nhập ngũ ngày 6 tháng 9 năm 1971.[12] Ngoài ra đạo diễn Hữu Mười để xây dựng kịch bản chi tiết cho bộ phim cũng đã đến thăm thành cổ Quảng Trị, nghe và đọc về 81 ngày đêm, tìm đọc những cuốn hồi ký, nhật ký của các liệt sĩ, của những cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc chiến.[7]

Đạo diễn

Trước khi đạo diễn Hữu Mười nhận làm phim, đã có từ 10-15 đạo diễn xem qua kịch bản Mùi cỏ cháy và đều không nhận bộ phim có kinh phí chỉ hơn 5 tỷ đồng.[16] Đầu tháng 7 năm 2009, đạo diễn Hữu Mười được Hãng Phim truyện Việt Nam gọi lên giao kịch bản và sau nửa tháng suy nghĩ, ông đã đồng ý làm phim. Tuy nhiên sau đó Cục Điện ảnh đã không muốn để Hữu Mười làm nữa mà muốn giao cho đạo diễn khác giàu kinh nghiệm làm phim chiến tranh hơn cho đến khi ông được Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam dẫn lên Cục Điện ảnh để hứa với Cục là sẽ làm được.[17]

Phân vai

Việc tuyển chọn diễn viên cho 4 nhân vật chính đã được tiến hành liên tiếp trong hơn nửa năm. Hàng trăm thanh niên ở độ tuổi 19, 20 đã đến thử vai, hầu hết các nam diễn viên trẻ của các đoàn nghệ thuật trong nước cũng được chú ý đến. Cuối cùng 3 sinh viên Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội đã được chọn là Lê Văn Thơm – sinh viên năm thứ ba khoa kịch hát dân tộc đóng vai Thành, Tô Tuấn Dũng – năm hai lớp diễn viên sân khấu đóng vai Thăng và Nguyễn Thanh Sơn - cũng là sinh viên năm hai lớp diễn viên sân khấu đóng vai Long.[2] Riêng nhân vật Hoàng lúc 20 tuổi do Nguyễn Năng Tùng, sinh viên năm cuối khoa Vật lý Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, từng tham gia lớp diễn viên đào tạo ba tháng do Hãng Phim truyện Việt Nam tổ chức thủ vai, còn Hoàng lúc 60 tuổi do đạo diễn Nguyễn Hữu Mười đảm nhận.[2][18]

Trong khi đó, nhân vật Đại đội trưởng Phong được giao cho diễn viên Lê Chí Kiên, công tác tại Nhà hát Múa rối Thăng Long trong vai trò đạo diễndiễn viên.[19]

Quay phim

Trước khi khởi quay, đoàn làm phim cũng đã đến viếng mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Ngày 25 tháng 12 năm 2010, những thước phim đầu tiên của bộ phim đã chính thức được khởi quay sau hơn 1 năm chuẩn bị. Bức ảnh chụp 4 anh lính trẻ quây quần bên bức tượng cô gái đọc sách trong công viên Thống Nhất là cảnh khai máy của bộ phim.[20][21] Kinh phí làm phim là 5,2 tỷ đồng[20] trong đó 2 tỷ đồng để khấu hao máy móc và trả lương cho cán bộ, công nhân viên; gần 1 tỷ đồng dành làm hậu kỳ phim.[22] Do hạn chế về kinh phí nên nhiều cảnh hay trong kịch bản đã không được thực hiện hoặc quay không đúng với ý đồ như cảnh đoàn tàu chở những người lính về thủ đô với những lá thư được ném qua cửa sổ.[3][16] Tuy nhiên, trong quá trình làm phim, đoàn phim đã được sự ủng hộ của gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc[b], Hội Cựu chiến binh chiến sĩ Quảng Trị nhập ngũ ngày 6 tháng 9 năm 1971 và nhiều cá nhân khác về tài chính; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ủng hộ 1.000 thanh niên, sinh viên tình nguyện đóng trong cảnh cuối phim; Hãng phim Giải Phóng ủng hộ máy quay và nhân lực phục vụ các cảnh quay tại Thành phố Hồ Chí Minh; Báo An Ninh thế giới nhận trách nhiệm bảo vệ an ninh cho các cảnh quay lớn (cảnh các tân binh thả thư ở Cửa Nam - Hà Nội, cảnh chiến đấu ở đầu cầu Sài Gòn) và lo chuyện ăn, ở cho đoàn phim trong thời gian quay ngoại tỉnh,...

Bối cảnh phim được thực hiện chủ yếu tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), ngôi nhà cổ số 87 phố Mã Mây (Hà Nội), Thành cổ Quảng Trị,...[4] Việc làm bối cảnh tốn thời gian nhiều tháng cho những cảnh quay chỉ có 1, 2 ngày. Riêng bối cảnh thành cổ phải mất đến 4 tháng và chiếm phần lớn kinh phí làm phim. Các cảnh quay đầu tái hiện lại cuộc sống Hà Nội những năm 1970 đã sử dụng những cảnh quay sinh hoạt tại gia đình ở nhà cổ 87 phố Mã Mây.[23] Để dựng lại cảnh chiến trận Thành cổ, đoàn làm phim đã tái hiện một phần Thành cổ ở Làng văn hóa Đồng Mô, do họa sĩ Nguyễn Quốc Trung thực hiện.[20] Cảnh chiến đấu còn được sự ủng hộ của quân đội như 2 chiếc xe bọc thép M113 chiến lợi phẩm thời chiến tranh được Binh chủng Tăng - thiết giáp cho đoàn "mượn" để quay và sự hỗ trợ về người và vật chất từ phía Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh với tổng số gần 600 quả nổ, bom lửa, xe cộ, xăng dầu,...[24][25] Tháng 9 năm 2011, bộ phim đã được đóng máy sau những cảnh quay cuối cùng tại Làng văn hóa Đồng Mô.[24] Phim được làm hậu kỳ tại Thái Lan.[26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mùi_cỏ_cháy http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2012/... http://tinhhinh.net/Ke-chuyen-viet-kich-ban-Mui-co... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van... http://www.anninhthudo.vn/Giai-tri/Mui-co-chay-duo... http://www.anninhthudo.vn/Hau-truong/Hau-truong-da... http://www.anninhthudo.vn/Hau-truong/Mui-co-chay-s... http://baophunuthudo.vn/sites/epaper/PNTD/Detail.a... http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=99&mo... http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/M...